Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức trực tuyến vừa qua, hầu hết đại biểu đại diện ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ở ĐBSCL đồng tình những điểm mới trong dự thảo tuyển sinh đại học 2020, nhưng vẫn còn băn khoăn một số vấn đề liên quan đến đào tạo khối ngành Sư phạm.  

Nhiều điểm mới trong tuyển sinh 2020

Theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2020 dự kiến sẽ có một số thay đổi so với năm 2019. Về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trừ giáo dục mầm non, Bộ sẽ không xác định chỉ tiêu trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên. Các ngành đào tạo trình độ đại học mới được mở trong năm tuyển sinh được xác định chỉ tiêu nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới. Bộ cũng sẽ bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực Du lịch, Công nghệ thông tin tại các trường có khóa tuyển sinh đại học thứ 2 trở đi... 


Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ trong giờ học. 

Theo bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, quy chế sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2, chất lượng cao... vào một quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non để đảm bảo tính hệ thống, dễ tra cứu, áp dụng. Bộ sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh nhằm điều chỉnh sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm của các trường. Bà Phụng cho biết: “Bộ sẽ tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe, đồng thời bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này”.

Việc duy trì quy định điểm sàn đối với 2 nhóm ngành đặc thù trên được nhiều đại biểu tham dự điểm cầu Cần Thơ đồng tình; nhất là khối ngành sức khỏe. Một điểm mới nữa là việc quy định mức giá dịch vụ tuyển sinh năm nay sẽ thuộc trách nhiệm các cơ sở giáo dục đào tạo. Nhiều đại biểu ở điểm cầu Cần Thơ thống nhất giữ nguyên định mức thu lệ phí tuyển sinh như năm 2019 (30.000 đồng/nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng). Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Quy định mức thu như các năm trước để thí sinh chủ động và ổn định tâm lý”.

Quan tâm đào tạo khối ngành Sư phạm

Nhiều đại diện các trường ở ĐBSCL quan tâm tuyển sinh khối ngành Sư phạm. Thầy Trần Quang Thái, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Đồng Tháp, cho biết: Quy định chỉ tiêu tuyển sinh hệ không chính quy bằng 30% chính quy là phù hợp. Đã 12 năm qua, Trường Đại học Đồng Tháp đào tạo đa ngành, song thế mạnh là Sư phạm. Nhưng 2 năm nay, Bộ giao chỉ tiêu đào tạo khối ngành này rất ít, nên tổng chỉ tiêu được giao hạ xuống, kéo theo chỉ tiêu không chính quy. Thầy Thái cho biết: “Luật Giáo dục mới yêu cầu nâng chuẩn giáo viên từ cao đẳng, đại học trở lên, nên nhu cầu rất cao, nhưng quy định tuyển sinh vừa làm vừa học chỉ 30%. Năm 2019 trường có 2.000 chỉ tiêu chính quy, nên chỉ được tuyển hơn 600 sinh viên không chính quy”. GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, thông tin: Khối ngành Sư phạm của trường thời gian qua có lượng dự tuyển rất đông ở một số ngành, nhưng lại tuyển rất ít, do chỉ tiêu phân bổ không nhiều.

Một số trường cao đẳng có đào tạo khối ngành Sư phạm cho rằng, trong Dự thảo Quy chế Tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non năm 2020, dự kiến không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp và cao đẳng; chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non. Các trường kiến nghị Bộ xem xét duy trì đào tạo khối ngành cao đẳng sư phạm một vài năm nữa để đào tạo đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo ông Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, hiện nay khu vực ĐBSCL chưa có trường Đại học Sư phạm để đào tạo giáo viên từ tiểu học đến THPT có trình độ cử nhân, đáp ứng Luật Giáo Dục mới có hiệu lực từ tháng 7-2020. “Để đảm bảo ổn định lực lượng giáo viên tiểu học, THCS trong giai đoạn chuyển tiếp thực hiện luật mới, trường đề xuất Bộ có cơ chế đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL được tiếp tục đào tạo giáo viên tiểu học và THCS bậc cao đẳng. Sau đó, sinh viên tiếp tục học đại học bằng hình thức vừa làm vừa học để đạt chuẩn”, ông Tâm cho biết.

Đại diện các trường tại điểm cầu Cần Thơ cũng đề nghị Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định Kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay và nên giao về cho các sở GD&ĐT địa phương chủ trì. Đối với chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT nên phân bổ công bằng hơn giữa trường công và tư; cơ sở dữ liệu của thí sinh nên có tính liên thông từ phổ thông đến đại học... Những ý kiến trên được PGS.TS Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT ghi nhận báo cáo lãnh đạo Bộ.

Bài, ảnh: B.Kiên

Nguồn:baocantho.com.vn