Đăng nhập

Kỷ niệm 78 Năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2024)

Bác Hồ viết lời kêu gọi lịch sử

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời có sức cổ vũ rất lớn đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên tự giải phóng.

Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, chính quyền nhân dân vừa ra đời, nhân dân ta chưa đủ thời gian xây dựng lực lượng vũ trang chính quy để bảo vệ nền độc lập đã giành được. Nền kinh tế của đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu, đã bị kiệt quệ nặng nề do chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật; tài chính cạn kiệt, nạn đói, thiên tai, lũ lụt đe dọa nghiêm trọng. Vận mệnh Tổ quốc ta lúc đó đứng trước một tình thế đặc biệt hiểm nghèo "ngàn cân treo sợi tóc".

Bác Hồ nhận biết rõ ý đồ xâm chiếm của Pháp. Nhưng Bác vẫn kiên trì với một giải pháp hòa bình ở nước ta, đòi phía Pháp tiến hành thương lượng, giải quyết vấn đề Việt Nam bằng con đường hòa bình.

Song, với mưu toan muốn chiếm lại nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã trì hoãn, bội ước Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946. Bọn chúng liên tục khiêu khích xâm phạm chủ quyền và tìm mọi cách đánh chiếm nước ta.

Dân tộc Việt Nam đã từng chịu nhiều đau khổ nay luôn ao ước sống trong hòa bình và công lý. Nhưng "Cây muốn lặng, gió chẳng ngừng", bởi vì thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa nên chúng đã cắt đứt mọi nẻo đường hòa bình để đến với độc lập và thống nhất. Nhân dân ta không còn con đường nào khác, buộc phải cầm súng để tự vệ là sự lựa chọn bất đắc dĩ của dân tộc Việt Nam.

Đất nước ta đứng trước một tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sự lựa chọn lịch sử, phải kịp thời có một quyết định chiến lược để chuyển xoay vận nước đang lâm nguy. Ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước và đề ra đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng.

Sau một đêm chiến đấu, sáng ngày 20/12/1946, với khẩu khí hào hùng như lời Hịch tướng sĩ năm nào trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến:

 "Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

 Hỡi đồng bào!

 Chúng ta phải đứng lên!

 Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp để cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!"

Nhà in báo Cứu quốc cũng kịp thời in hàng nghìn bản để chuyển về các nơi, trong số báo ra ngày hôm sau, lời hịch của Bác được in hết sức trang trọng và đầu đề "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến".

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức mạnh diệu kỳ, sánh vai cùng "Nam quốc sơn hà", Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo… vì đây là tiếng gọi, tiếng kèn xung trận, ngọn cờ tư tưởng của thời đại Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử của dân tộc ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp như một bản anh hùng ca của dân tộc. Hơn nữa thế kỷ đi qua, ngày 19/12/1946 mãi mãi ghi vào lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta như một mốc son chói lọi. Toàn dân tộc ta nhất tề đứng dậy theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thời gian càng lùi xa, âm hưởng hùng tráng của Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến càng vang vọng trong muôn thế hệ người Việt Nam.

Tại Cần Thơ, theo Chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban Kháng chiến tỉnh  được thành lập do đồng chí Trần Văn Hoài làm Chủ tịch, để lãnh đạo cuộc kháng chiến tỉnh nhà.

Các đơn vị vũ trang bấy giờ như Cộng hòa vệ binh, Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của lực lượng quân sự và lực lượng công an ngày nay), với trang bị vũ khí ít ỏi, thô sơ, "nóp với giáo mang ngang vai" cùng nhân dân Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến thần kỳ.

Ngày 12/11/1945, đội cảm tử do Lê Bình đột nhập vào xào huyệt địch bắn bị thương đại úy Ru-ăng và diệt nhiều sinh lực địch. Lê Bình đã anh dũng hy sinh trong khi đang treo cờ Tổ quốc.

Tiêu biểu nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là các trận Tầm Vu, trong đó nổi bật là trận Tầm Vu IV. Trong trận này, quân ta phục kích, bất ngờ đánh vào đoàn xe của địch từ Rạch Gòi về Cần Thơ vào ngày 19/4/1948. Quân địch bị đánh tan tác tại đoạn Tầm Vu. Quân ta thu được khẩu đại bác 105 ly cùng nhiều vũ khí, đạn dược. Có 100 tên địch bị tiêu diệt.

Với chiến thắng này, Cần Thơ trở thành biểu tượng của ý chí quyết thắng, của khí phách anh hùng và sức mạnh sáng tạo của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.

Phát huy tinh thần Ngày Toàn quốc kháng chiến, chúng ta mãi mãi tự hào về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đảng bộ, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Cần Thơ quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của địa phương, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, chung sức, chung lòng, tự lực, tự cường, hiện thực hóa khát vọng xây dựng nhà trường phát triển bền vững và phồn vinh, thịnh vượng.

HS

TÌM KIẾM

LIÊN KẾT

  

Hệ thống Elearning Hệ thống quản lý đào tạo
Lịch sinh hoạt tuần

Tuyển dụng - Việc Làm

Email nội bộ

Thông báo lớp chứng chỉ


Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên

Chương trình tư vấn tuyển sinh trực truyến 2022