Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025)
Khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Giữa những ngày Tháng bảy nghĩa tình này, nhắc nhở những người con đất Việt ở khắp mọi miền đất nước đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc.
Có đất nước liền một dải và tươi đẹp như hôm nay, dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong các cuộc đấu tranh anh dũng ngoan cường ấy đã chứng kiến lớp lớp thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi; với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã không tiếc máu xương, công sức của cải để giữ gìn độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn.
Với sự hy sinh của đông đảo quần chúng, của chiến sĩ, anh hùng kế tiếp nhau trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi… tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”, “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”(*).
Để có được những chiến công vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ; những bậc ông bà, cha mẹ; những người chồng, người vợ và những người con mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngày 16-02-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, sau đổi là Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với nước.
Thực hiện lời dạy của Người, với truyền thống và đạo lý của dân tộc, những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi người có công và phát động sâu rộng trong cả nước phong trào “đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc, giúp đỡ các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và thực sự đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, chúng ta đang phải dành nguồn lực để đầu tư xây dựng đất nước song Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta vẫn làm tất cả những gì có thể nhằm chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của những người có công với nước. Vai trò nòng cốt của cuộc vận động này là các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, ban ngành và chính quyền các địa phương… thực hiện.
Các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành những hoạt động xã hội sôi nổi thường xuyên, mang đậm giá trị nhân văn. Những việc làm đó thể hiện rõ nhất ý Đảng - lòng dân, là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát huy, phát triển, phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp các gia đình liệt sĩ, thương binh vượt qua đau thương, nỗ lực phi thường, không ngừng vươn lên trong cuộc sống, công tác để tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Ở khắp nơi, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã vượt lên thương tật, hoàn cảnh khó khăn để xây dựng và phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ người xung quanh, trở thành những tấm gương vượt khó, những bông hoa giữa đời thường, xứng đáng là “người công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu”.
Cứ đến tháng bảy hàng năm, cả nước lại tràn ngập không khí tri ân những người có công với nước. Ngày càng có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn đầy xúc động... Ở các nơi khói hương trầm mặc ấy, không chỉ trong ngày lễ, kỷ niệm 27-7, mà dường như quanh năm, chúng ta xúc động chứng kiến nhiều lứa đôi trong ngày thành hôn đã tới đây dâng hương, dâng hoa, tỏ lòng thành kính tri ân, cầu nguyện cho vong linh các liệt sĩ thanh thản nơi chín suối và xin chứng giám giờ phút kết tóc se duyên của mình, thầm hứa với nhau sống thủy chung trọn vẹn.
Tri ân những người hy sinh vì nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, đồng thời có ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ hôm nay về một thời oanh liệt của dân tộc, về đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần đưa đất nước vững bước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình.
H.Tài
(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 9, trang 3.
Các tin khác
- Tiếp và làm việc với Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa về dự án Kỹ năng thành công - 12/7/2025 11:54
- Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2025 - 11/7/2025 08:38
- Phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng - 11/7/2025 08:37
- Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ - 11/7/2025 08:36
- Sửa đổi Hiến pháp để “cách mạng tinh gọn bộ máy” - 01/7/2025 15:07