Đăng nhập

Kỷ niệm 84 năm Ngày Bác Hồ về nước (28/1/1941 - 28/1/2025)

Mùa Xuân đầu tiên Bác Hồ trở về Pác Bó

Bác Hồ trở về nước vào đầu năm 1941 là sự kiện trọng đại, mốc son vàng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước và dân tộc Việt Nam. Đây là mốc lịch sử quan trọng dẫn tới cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 và ngày 2/9/1945, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Mùa xuân năm 1941 thực sự là một mùa xuân kỳ diệu, đó là mùa xuân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ trở về nước qua mốc 108 (cũ), tại thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngay từ khi trở về, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Bác Hồ về nước (28/1/1941). Tranh: Trịnh Phòng (Nguồn nhandan.vn)

Tháng 10-1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi.

Mùa xuân năm 1930, đối với Bác Hồ là “Mùa xuân sung sướng nhất của cuộc đời”, riêng với dân tộc ta còn có một mùa xuân kỳ diệu, vì là ngày Người trở về Tổ quốc mang theo sắc xuân bất diệt cho đất nước Việt Nam.

Trong khí trời trong lành của một buổi sáng mùa xuân và hương thơm của hoa rừng biên cương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến cột mốc biên giới 108, Bác dừng lại hồi lâu, lòng bồi hồi, xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, Bác lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần 30 năm xa cách. Người cúi đọc những chữ Hán và chữ Pháp được khắc ở cả hai mặt cột mốc. Người đứng lặng nhìn về phía dài đất Tổ quốc trùng điệp, thấp thoáng xa những cụm nhà nhỏ trong lũng ngô, hoa mai, hoa cà trắng thơm mùi huệ. Phút giây đó, sau này được Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”(*)

Bác về nước đúng vào mùa xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở. Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động: “... Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai...”

Để giữ bí mật, những ngày đầu về nước, Người tạm nghỉ ở nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chuyển đến ở và làm việc tại hang Cốc Bó, một hang núi kín đáo ở Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng, nằm ở lưng chừng sườn núi Các Mác. Dưới chân núi có chiếc bàn đá làm việc của Bác nằm bên cạnh đầu nguồn của suối Lê-nin. Chiếc bàn đá và cửa hang trên sườn núi nhìn xuống hồ nước trong xanh, thấy cá lội và bóng cây rừng, núi đá.

Tại Pác Bó, Người đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng và đã bùng cháy, lan tỏa ra khắp cả nước, soi sáng, dẫn đường cho toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Và mùa Xuân Bính Tuất năm 1946 là mùa Xuân độc lập đầu tiên của dân tộc đã trở về trên toàn cõi đất nước ta. Tiếp đó, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 1954 và kết thúc trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tất cả những thắng lợi ấy đều gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã 84 mùa xuân trôi qua nhưng hình ảnh khi lần đầu tiên Bác trở về với Tổ quốc sau 30 năm xa cách ấy vẫn mãi không phai nhòa trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Xuân Ất Tỵ 2025, cả nước kỷ niệm 84 Xuân Ngày Bác Hồ về nước (28/1/1941 - 28/1/2025). Càng nhớ Bác Hồ - Vị cha già kính yêu, Người hy sinh cả cuộc đời của mình cho dân, cho đất nước, mỗi “con Lạc cháu Hồng” hôm nay càng phải tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, tạo nguồn cảm hứng, niềm tin, ánh lửa và nguồn sức mạnh to lớn để các dân tộc, mọi cán bộ, đảng viên, giảng viên, viên chức viết tiếp truyền thống vẻ vang của dân tộc, vươn tới cuộc sống dân chủ, công bằng, ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

HM

(*) T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1009, tr.82.

TÌM KIẾM

LIÊN KẾT

  

Hệ thống Elearning Hệ thống quản lý đào tạo
Lịch sinh hoạt tuần

Tuyển dụng - Việc Làm

Email nội bộ

Thông báo lớp chứng chỉ


Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên

Chương trình tư vấn tuyển sinh trực truyến 2022