Đăng nhập

     Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện bằng thành tích học tập, tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn của lớp lớp thế hệ học trò dành cho người thầy và còn được đúc kết thành tục ngữ lưu giữ suốt chiều dài lịch sử dân tộc “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

     Cha ông ta đã đúc kết “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy, cô giáo là người truyền dạy kiến thức, giúp hình thành thái độ và cách ứng xử đúng đắn, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thêm trong sáng và phong phú để mỗi người có nhân cách phát triển, có năng lực và phẩm chất giúp ích cho xã hội. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy được khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” đã và mãi mãi đồng hành cùng chúng ta đi dọc theo năm tháng.

     Sinh thời, Bác Hồ rất quý trọng và vinh danh các nhà giáo, Người nói: “Người thầy giáo tốt - xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất…”. Người căn dặn “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị, phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”.

     Với truyền thống văn hóa Việt Nam, người thầy là người đạo cao, đức trọng, là người rất có uy tín và luôn được xã hội tôn trọng. Khi nói về vai trò của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

     Thực hiện lời dạy của Bác, biết bao thế hệ nhà giáo Việt Nam đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ cho sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, tạo nên những truyền thống tốt đẹp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một làng xóa mù chữ

     Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, chúng ta có thể thấy thấp thoáng trong từng trang của lịch sử dân tộc hình ảnh người học trò nghèo đêm đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để đọc sách, hình ảnh những người vợ, người mẹ, tảo tần sớm hôm lo cho chồng, cho con nấu sử sôi kinh và đặc biệt là những lớp học xưa với hình ảnh ông đồ ngồi dạy học. Người thầy được tôn vinh bởi người thầy tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất.

     Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Mỗi bài giảng của thầy như thôi thúc học trò tiếp bước cha anh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thực hiện lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

     Truyền thống nhà giáo Việt Nam mãi mãi sẽ là những giá trị vô giá, hun đúc các thế hệ thầy, cô giáo luôn phấn đấu trở thành người thầy chân chính trong xã hội.

     Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, toàn ngành giáo dục đang phấn đấu thực hiện sứ mệnh cao đẹp là “gieo chữ”, “trồng người”, đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên”.

     Những lời tâm huyết ấy của Bác càng nhắc nhở đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần đề cao trách nhiệm làm gương, ý chí vượt lên mọi khó khăn và sự cám dỗ vật chất đời thường, không ngừng bồi dưỡng ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu” - cội nguồn nảy sinh sự tâm huyết, sáng tạo trong chuẩn bị từng trang giáo án cũng như khi đứng trên bục giảng.

     Những cuộc vận động của ngành giáo dục và đào tạo phát động trong thời gian qua “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”,…  được hưởng ứng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của cả nước.

     Hiện nay, nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt để tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước, do đó sự nghiệp giáo dục và đào tạo càng trở nên quan trọng.

     Trước những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, vai trò của người thầy càng nặng nề hơn bao giờ hết. Các thầy, cô giáo cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực, giữ gìn phẩm chất đạo đức nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói riêng. 

     Để làm tốt điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), gắn với Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đội ngũ thầy, cô giáo trong sạch, vững mạnh, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thể hiện tấm gương sáng của mình để học sinh, sinh viên noi theo.

Thanh Hoàng

 

TÌM KIẾM

LIÊN KẾT

  

Hệ thống Elearning Hệ thống quản lý đào tạo
Lịch sinh hoạt tuần

Tuyển dụng - Việc Làm

Email nội bộ

Thông báo lớp chứng chỉ


Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên