Đăng nhập

Cứ vào mùa Xuân, mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng đều quần tụ về vùng Đất Tổ linh thiêng để tri ân công đức các Vua Hùng. Đây là tấm lòng thành kính, là đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu đối với công đức Tổ tiên và cầu mong quốc thái, dân an, một năm an lành, sung túc.

Ảnh: Đền Hùng ở Phú Thọ (Nguồn: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam)

Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng đã có công dựng nên Nhà nước đầu tiên trong lịch sử, là Tổ tiên chung của toàn dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa, biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, được minh chứng qua các chứng cứ sử học, khảo cổ học, dân tộc học... kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác để trở thành nhận thức và tâm thức liên quan cội nguồn lịch sử lâu dài của người Việt. Đây là thể hiện sự gắn bó, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng, khẳng định dân tộc Việt Nam có chung một cội nguồn, cả nước cùng tôn thờ một vị Vua Tổ.

Có lẽ trên thế giới không có ở đâu mà cả nước cùng chung Giỗ Tổ tiên trong một ngày như ở Việt Nam. Dù ở trong hay ngoài nước, mỗi người dân Việt Nam đều thực hiện nghi thức giỗ Tổ Hùng Vương.

Việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người dân Việt Nam; là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử, đã hun đúc lòng tự hào và tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi “Con người có Tổ, có Tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.

Ảnh: Lễ hội Đền Hùng là một trong những lễ hội lớn có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam

(Nguồn: wwwvietnam.vn)

Vào ngày Quốc lễ này, vạn ngả đường đều hướng về một đường đất Tổ. Muôn trái tim Việt luôn hướng về một ngày Quốc giỗ Hùng Vương. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Nét đẹp văn hóa đó đã lan tỏa, thấm sâu vào người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác với lòng tôn kính và biết ơn công lao của Tổ tiên đã khai sơn, phá thạch, dựng nên bờ cõi.

Thông qua ngày Giỗ Tổ, Tổ tiên ta còn có hoài bão muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước an dân. Đó là nỗi lo muôn thuở, là tấm lòng bao dung, tha thiết, rộng mở của Chư Tổ còn vang vọng mãi khắp núi sông.

Năm 1963, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Đền Hùng là di tích lịch sử quốc gia. Đến năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư quy định là một trong những ngày lễ lớn trong năm, giao cho ngành Văn hóa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Lễ hội Đền Hùng trong thời gian 10 ngày (từ 01/3 đến 10/3 âm lịch). Năm 2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Từ đây, ngày 10/3 âm lịch hằng năm một lần nữa được Nhà nước chính thức công nhận trở thành ngày Quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong đời sống đương đại hiện nay, Giỗ tổ Hùng Vương vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là mạch nguồn tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Đây cũng là môi trường hội tụ bản sắc sáng tạo văn hóa, hội tụ các thành tố văn hóa, bồi đắp niềm tin và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ. Giữ gìn, xây dựng và phát triển hệ giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn, như cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Với giá trị sâu xa của tín ngưỡng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt. Từ giá trị nhân văn ấy, hiện nay ngoài địa điểm chính là Khu di tích lịch sử Đền Hùng, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương còn được tổ chức ở nhiều địa phương khác trên khắp cả nước; trong đó nhiều tỉnh, thành phố đã đầu tư xây dựng các công trình lớn phục vụ đồng bào thăm viếng, tri ân công đức các Vua Hùng như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, Kiên Giang…

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa phổ biến trong đời sống của đông đảo người Việt, là một hình thức biểu hiện tình yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Đồng thời, hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, luôn ước vọng, tôn thờ; truyền dạy cho thế hệ trẻ việc kết nối và thực hành di sản để sáng tạo, tiếp nối và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh và hùng cường, thịnh vượng.

BT

 

TÌM KIẾM

LIÊN KẾT

  

Hệ thống Elearning Hệ thống quản lý đào tạo
Lịch sinh hoạt tuần

Tuyển dụng - Việc Làm

Email nội bộ

Thông báo lớp chứng chỉ


Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên