Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)
Học tập và làm theo phong cách khoa học Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của dân tộc, suốt đời luôn hy sinh, tận tụy cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân. Người là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, tiêu biểu nhất cho đạo đức cộng sản chủ nghĩa và kết tinh những đức tính tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành di sản lớn lao của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc học tập và làm theo Bác, đặc biệt học tập và làm theo phong cách khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng và yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Chúng ta nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người phương Đông, nhất là với người Việt Nam giàu tình cảm, “Một tấm gương sống còn có giá hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1). Bác khẳng định, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đây là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt đời. Theo Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được thông qua hoạt động thực tiễn sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu.
Ở phong cách Hồ Chí Minh có lẽ bất cứ một người dân Việt Nam nào cũng ít nhiều biết được đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tác phong khiêm tốn, giản dị, rất quần chúng, bao dung của Người. Ở Hồ Chí Minh với cái tâm trong sáng, cái trí mẫn tuệ, với hành động vĩ đại đã thực sự trở thành Người hơn tất cả mọi người, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Người đã dạy: “Muốn quyết định đúng, trước tiên phải kiểm tra, nghiên cứu rõ ràng. Phải hiểu rằng, Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn hiểu rõ tình hình thì Đảng nên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là nồi vuông úp vung tròn, không ăn khớp gì hết”.
Ngay từ những ngày đầu, khi Đảng mới nắm chính quyền, Người đã lên án tội “báo cáo láo”. Làm được ít suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là bệnh rất nguy hiểm.
Để nắm được tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta phải lắng nghe ý kiến của đảng viên và quần chúng. Nhưng nghe như thế nào, làm thế nào nghe được tiếng nói chân thực của những người trung thực? Thực tế cuộc sống cho ta thấy giá trị chân thật của lời nói tùy thuộc vào tính trung thực của người nói, song một phần còn tùy thuộc ở thái độ của người nghe. Do đó, người cán bộ phải học cách nghe, rèn luyện thái độ nghe, làm thế nào để động viên khuyến khích người nói phản ánh đúng sự thật.
Theo Hồ Chí Minh, phong cách làm việc khoa học, bài bản, có kế hoạch đòi hỏi người cán bộ phải “đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực”, đồng thời phải có “óc tổ chức”, chia công, xếp việc cho rõ ràng. Người đã dạy chúng ta hai cách lãnh đạo rất cơ bản khi thi hành các chủ trương công tác: phải gắn chặt với quần chúng và phải tổ chức chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi mở rộng ra. Người nói: “Bất cứ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”. Đồng thời, khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều có tổng kết thực tiễn rút kinh nghiệm những việc làm được, chưa làm được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tiến hành những công việc khác tốt hơn. Người nhắn nhủ: “Công việc gì bất kì thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”(2).
Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề cán bộ và Người cho nhiều chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận khoa học để giải quyết đúng vấn đề cán bộ. Điều quan trọng trước tiên theo Người, là phải hiểu biết đúng cán bộ. Do vậy phải chí công, vô tư trong việc xem xét cán bộ. Trong sử dụng cán bộ, Người phê phán gay gắt những bệnh: lạm dụng người bà con, anh em quen biết, bạn bè, ham dùng bọn nịnh hót, ghét những người chính trực, tránh những người không hợp ý mình. Người căn dặn: phải có độ lượng, mới có thể đối với cán bộ một cách chí công, vô tư, không thành kiến, khiến cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp họ tiến bộ, phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà xa cách cán bộ tốt, phải có thái độ vui vẻ, thân mật thì các đồng chí mới vui lòng gần gủi mình.
Về vấn đề học tập, Hồ Chí Minh quan niệm “Học để làm người trước, sau đó mới học làm cán bộ”và Người đã không ngừng mở rộng tầm nhìn ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa - khoa học của nhân loại, nâng cao trình độ bằng phương pháp tự học.
Trong phong cách diễn đạt, bất cứ đối tượng nào, ở bất cứ trình độ nào khi nghe Bác nói chuyện đều cảm thấy thoải mái, kính nể. Đặc biệt, Người khi là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, khi là người chính luận sâu sắc, tác giả của những áng hùng văn, những lời kêu gọi cả dân tộc, đồng bào, cho đến những lá thư giản dị cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong cách ứng xử của Người cũng rất văn hóa, lịch lãm mà bình dị, tự nhiên, cởi mở và chân tình. Nói đến phong cách Hồ Chí Minh bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ở Người có một phong cách rất riêng, rất Hồ Chí Minh thể hiện trong lĩnh vực tư duy, làm việc, ứng xử cũng như trong sinh hoạt cuộc sống đời thường.
Học tập và làm theo phong cách khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trở thành ý thức tự giác trong mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức cần đạt được trong công tác, đạo đức, lối sống và lời nói, việc làm cụ thể hiện nay, có vậy mới tạo ảnh hưởng lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, thịnh vượng.
TH
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr. 284.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.5, tr. 699.
Các tin khác
- Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn thành phố năm 2025 - 16/5/2025 10:09
- Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm gương sáng ngời, mẫu mực - 16/5/2025 09:43
- Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam - 15/5/2025 10:40
- Lớp tập huấn phương pháp giảng dạy kỹ năng sống - 11/5/2025 15:21
- Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy trong sinh viên - 11/5/2025 11:31